Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia (ACCC) cho rằng Google đã thu thập, lưu giữ và sử dụng những thông tin cá nhân "đặc biệt nhạy cảm và có giá trị" từ những người dùng điện thoại chạy bằng hệ điều hành Android và máy tính bảng mà không đưa ra những lựa chọn rõ ràng.
Hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ cũng bị cáo buộc lừa dối người dùng trong thu thập dữ liệu định vị và không thông báo rõ khi nào thì các cài đặt tài khoản Google cụ thể có hiệu lực hay không có hiệu lực.
Chủ tịch ACCC Adam Sims cho biết cơ quan này đề xuất những hình phạt nặng để Google nhận thức được rằng các hành động mà họ từng thực hiện là "không thích hợp". Phát biểu với báo giới tại Sydney, ông Sims cho biết ACCC cũng nghi ngờ một số hành vi này vẫn đang tiếp diễn và muốn những hành vi đó phải chấm dứt.
ACCC cho biết từ năm 2017 tới năm 2018, Google đã không khuyến cáo người dùng đóng các mục "lịch sử định vị" và cài đặt "hoạt động trang web và ứng dụng" để tránh nguy cơ bị thu thập dữ liệu trái phép.
Google còn bị cáo buộc là chỉ nói cho khách hành rằng những dữ liệu đó để phục vụ chính người dùng trong khi sử dụng các dịch vụ của Google mà không làm rõ rằng những dữ liệu này cũng sẽ được sử dụng trong các mục đích khác không liên quan.
ACCC cho rằng những hành động này đã vi phạm luật tiêu dùng Australia và phải bị đưa ra Tòa án Liên bang.
Người phát ngôn của Google cho biết công ty đang đánh giá chi tiết các cáo buộc và sẽ bảo vệ lợi ích của mình trước tòa.
Vụ kiện được thực hiện sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của ACCC nhằm vào các nền tảng công nghệ lớn tại quốc gia này. Các thông tin điều tra đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi áp dụng những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ lớn.
ACCC yêu cầu có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong sử dụng dữ liệu cá nhân và các biện pháp để kiềm chế Facebook hay Google trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Chính phủ Australia đang nghiên cứu các đề xuất của ACCC để có thể triển khai cuối năm nay.
Theo bnews